“Phao cứu sinh” cho Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn
Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đang ở thế đường cùng khi doanh thu phí của công trình này chỉ đạt khoảng 30% phương án tài chính được duyệt, không đủ trả chi phí lãi vay cho ngân hàng tài trợ vốn.
Sau 4 năm đưa vào khai thác, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đang gặp hàng loạt vướng mắc, bất cập.
Xin phao cứu trợ từ ngân sách
“Chúng tôi đã nhận được thông tin về việc UBND tỉnh Lạng Sơn vừa kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 5.600 tỷ đồng cho Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Km45+100 – Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 – Km106+500 (Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn). Nếu đề xuất này được thông qua, các vướng mắc về tài chính tại Dự án sẽ cơ bản được tháo gỡ”, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án) đánh giá.
Trước đó, cuối tuần trước, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký Tờ trình số 23/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng xem xét, đồng ý chủ trương hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương khoảng 5.600 tỷ đồng (không quá 50% tổng mức đầu tư theo giá trị đã được kiểm toán, quyết toán), để bù đắp dòng tiền thâm hụt trong thời gian thu phí hoàn vốn đảm bảo phương án tài chính, đồng thời giúp việc vận hành, khai thác Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được suôn sẻ, ổn định.
Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014 bao gồm 2 hạng mục là xây dựng chính tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dài 64 km, quy mô 4 làn xe và nâng cấp 110 km Quốc lộ 1, đoạn từ Km1+800 – Km106+500.
Đến tháng 5/2018, UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bàn giao quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT). Đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn cho Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn khi liên danh nhà đầu tư do Công ty cổ phần Đầu tư UDIC đứng đầu không thể triển khai đúng tiến độ, buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đưa Tập đoàn Đèo Cả vào thay thế.
Tại thời điểm này, Dự án có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng nêu trên không có vốn góp của Nhà nước, chi phí thực hiện chỉ bao gồm nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn huy động tín dụng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Trong quá trình triển khai, nhà đầu tư mới và doanh nghiệp dự án đã tập trung nguồn lực, huy động máy móc, thiết bị, con người, vật tư, vật liệu, hoàn thành Dự án vượt tiến độ 3 tháng.
Kể từ khi đưa vào vận hành từ tháng 1/2020, tuyến cao tốc này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển Hà Nội và Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ so với di chuyển trên Quốc lộ 1, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 và thúc đẩy dịch vụ, phát triển sản xuất của các địa phương có tuyến đường đi qua.
Tuy nhiên, sau 4 năm đưa vào khai thác, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đang gặp hàng loạt vướng mắc, bất cập khiến doanh nghiệp dự án đứng trước nguy cơ phá sản, không trả được lãi suất và nợ gốc cho đơn vị tài trợ vốn tín dụng.
Tại Tờ trình số 23/TTr-UBND, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong quá trình thực hiện, vận hành Dự án có một số thay đổi (giảm 1 trạm thu phí, miễn giảm một số đối tượng thu phí, tăng trưởng lưu lượng xe thấp hơn dự báo ban đầu, bổ sung quy mô dự án…) đã ảnh hưởng tới phương án tài chính của Dự án. Các khó khăn, vướng mắc này đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra tại Thông báo số 09/TB-KTNN ngày 16/1/2020.
Cụ thể, theo phương án tài chính ban đầu, Dự án được thu phí hoàn vốn tại 2 trạm trên Quốc lộ 1 (tại Km 24+800 và Km93+160) và các trạm trên tuyến cao tốc, với dự kiến doanh thu là 93 tỷ đồng/tháng. Trong quá trình triển khai, do các yếu tố khách quan, doanh thu thu phí hiện nay của Dự án chỉ còn khoảng 30 tỷ đồng/tháng, đạt khoảng 32% phương án tài chính ban đầu, dẫn đến thâm hụt dòng tiền hoàn vốn của Dự án, không đủ chi trả gốc và lãi phát sinh đối với ngân hàng cho vay vốn.
Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thành Dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng theo hình thức BOT để kết nối đồng bộ thông tuyến đến TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị theo kế hoạch và ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính sách biên mậu của Trung Quốc đối với các cửa khẩu dẫn đến tốc độ tăng trưởng lưu lượng và phân bổ lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc không đảm bảo như dự báo trong phương án tài chính được phê duyệt.
UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, các vướng mắc nêu trên đã làm thay đổi các thông số đầu vào của Dự án và làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ và vận hành Dự án, tương tự các khó khăn, bất cập tại 8 dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Do vậy, việc xem xét các phương án hỗ trợ nhà đầu tư để đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính, trong đó có việc dùng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng là cần thiết”, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá.
Khó khăn chất chồng
Được biết, khó khăn lớn nhất đối với UBND tỉnh Lạng Sơn là việc cân đối ngân sách hỗ trợ cho Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Khoản hỗ trợ ngân sách nhà nước cho Dự án khoảng 5.600 tỷ đồng, tương ứng khoảng 49% tổng vốn đầu tư theo giá trị dự kiến quyết toán (khoảng 11.356 tỷ đồng) là vượt quá khả năng ngân sách của địa phương, trong khi địa phương này cũng đang phải bố trí khoảng 2.500 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng.
“Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cần sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn”, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, đề xuất của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn hiện là lối thoát duy nhất cho Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (công trình BOT đường bộ duy nhất không có vốn ngân sách hỗ trợ, sử dụng 100% vốn do nhà đầu tư tự huy động để thực hiện). Bên cạnh đó, những vướng mắc, bất cập tại Dự án là tình huống bất khả kháng, không xuất phát từ nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cho biết, những nội dung tại Tờ trình số 23/TTr-UBND chưa phản ánh hết những khó khăn mà doanh nghiệp dự án đang phải đối mặt. Cụ thể, doanh thu của Dự án hiện không đủ trả chi phí lãi vay phát sinh cho VietinBank, số tiền lãi chậm trả của Dự án cho Ngân hàng đã lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp dự án thậm chí không có tiền duy trì bộ máy và chi phí duy tu, bảo dưỡng vận hành công trình.
Trước đó, tại Thông báo số 09/TB-KTNN, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, nếu thời gian hoàn vốn đảm bảo theo phương án tài chính đã được duyệt (18 năm từ năm 2020 đến năm 2037) và đảm bảo khả năng trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, thì nguồn vốn không chịu lãi suất cần bù đắp vào Dự án khoảng 4.850 tỷ đồng (với giả định bổ sung một lần vào năm đầu khai thác tuyến cao tốc), hoặc bù đắp khoảng 5.745 tỷ đồng (với giả định bổ sung trong 3 năm kể từ khi tuyến cao tốc đi vào khai thác).
“Vì vậy, nếu không nhận được khoảng 5.700 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn chắc chắn sẽ vỡ phương án tài chính. Không chỉ các nhà đầu tư bị mất vốn, mà còn biến các khoản vay ngân hàng thành các khoản nợ xấu, không có phương án xử lý”, đại diện doanh nghiệp dự án khẳng định.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức vào cuối tháng 12/2023, Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cho biết, dù công trình đã hoàn thành nhiều năm, nhưng đến nay mới chỉ có phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được đóng và giải ngân đầy đủ. Phần vốn tín dụng của VietinBank mới giải ngân 9.229/10.169 tỷ đồng, còn 940 tỷ đồng chưa được giải ngân, dẫn đến tồn đọng 492 tỷ đồng công nợ dự án.
Theo báo cáo của Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, doanh nghiệp dự án đang nợ hơn 400 tỷ đồng với các khối lượng xây lắp đã nghiệm thu và khoảng 21 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng do nguồn vốn tín dụng dừng giải ngân từ tháng 10/2020. Điều này dẫn đến khiếu kiện kéo dài của các nhà thầu thi công dự án, nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình vận hành khai thác bình thường của tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
“Các nhà thầu thực hiện Dự án đã gửi đơn tới tòa án yêu cầu mở thủ tục giải thể đối với Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn do không có khả năng thanh toán công nợ. Nếu doanh nghiệp dự án phá sản, thì tuyến đường cao tốc này có nguy cơ dừng vận hành. Các nhà đầu tư có thể mất phần vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào dự án, ngân hàng cấp tín dụng không thu hồi được nợ”, Tổng giám đốc BOT Bắc Giang – Lạng Sơn lo lắng.
Tại Tờ trình số 4405/TTr-BGTVT gửi Chính phủ tháng 9/2023, Bộ GTVT đề xuất bố trí khoảng 10.342 tỷ đồng vốn nhà nước để xử lý khó khăn, bất cập đối với 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý (chấm dứt hợp đồng 5 dự án, hỗ trợ vốn nhà nước để tiếp tục thực hiện hợp đồng 3 dự án).
Đối với 5 dự án kiến nghị chấm dứt hợp đồng, mức vốn thanh toán dự kiến khoảng 6.812 tỷ đồng. Theo kết quả đàm phán sơ bộ, có 1 nhà đầu tư thống nhất không tính lợi nhuận trong giá trị thanh toán; 4 nhà đầu tư thống nhất giảm 20 – 50% lợi nhuận trong giá trị thanh toán; 3 dự án bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ dự kiến khoảng 3.530 tỷ đồng, tương ứng khoảng 49% tổng vốn đầu tư (theo kết quả kiểm troán, quyết toán vốn đầu tư).