Năm 2024: Thí điểm 150 vị trí cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ quét
Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” được thực hiện trong 5 năm, với kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến thiên tai lũ quét, sạt lở đất.
Hình ảnh một vị trí sạt lở tại tỉnh Yên Bái. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết để đảm bảo việc triển khai Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” đạt hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra, trong năm 2024, cơ quan chuyên môn sẽ triển khai thí điểm 150 vị trí cảnh báo sớm về sạt lở đất, lũ quét để làm mẫu, sau đó sẽ mở rộng dần phạm vi triển khai tại các địa phương khác trong suốt 5 năm tới.
Kỳ vọng kiểm soát chặt sạt lở đất, lũ quét
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết trong năm 2024, theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bắt đầu phối hợp với các địa phương triển khai “Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023.
Theo ông Lâm, nội dung của Quyết định số 1262/QĐ-TTg trên cơ bản toàn diện các công việc cần phải thực hiện, có tính đồng bộ, xuyên suốt và thể hiện sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và người dân nhằm đáp ứng mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ triển khai nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt là khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
“Đây là đề án lớn được thực hiện trong 5 năm tới, với kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến thiên tai lũ quét, sạt lở đất,” ông Lâm cho biết.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, đề án trên đặt ra mục tiêu Việt Nam sẽ hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất tỷ lệ 1: 50 000 hiển thị trên nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:25 000 cho 37 tỉnh miền núi, trung du và tỷ lệ 1: 10 000 và lớn hơn đối với 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.
Đến năm 2030, Việt Nam cơ bản hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ rất cao; hoàn thiện hệ thống thông tin – cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp 2 chiều giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu để cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các tỉnh miền núi, trung du Việt Nam.
Thông tin thêm, chuyên gia Vũ Đức Long – Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo Khí tượng Thủy văn (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết trong năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai thí điểm 150 điểm mẫu về cảnh báo sạt lở đất, lũ quét, sau đó sẽ mở rộng dần phạm vi triển khai tại các địa phương khác trong suốt 5 năm tới.
“Đây là việc làm rất quan trọng để giúp các địa phương, đặc biệt là người dân ở các vùng có nguy cơ bị sạt lở tiếp cận sớm thông tin, từ đó góp phần giảm thiểu những thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra,” ông Long nói.
Thử nghiệm qua ứng dụng điện thoại di động
Cũng trong năm 2024, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết cơ quan khí tượng thủy văn sẽ tăng cường cảnh báo trực tuyến, đẩy mạnh Chuyển đổi Số để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin thiên tai đến cộng đồng, trong đó có trang thông tin cảnh báo nguy cơ sạt lở đất được cập nhật hàng giờ.
“Theo đó, cơ quan khí tượng thủy văn đặc biệt chú trọng vào việc ứng dụng ước lượng mưa lớn từ radar, vệ tinh phân giải cao, mạng lưới quan trắc mưa tự động để cảnh báo chi tiết, dự báo nguy cơ tác động của mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất đến từng khu vực nhỏ, huyện, xã, vùng trọng điểm có nguy cơ cao chi tiết đến các khu vực nhỏ, huyện, xã, vùng trọng điểm có nguy cơ cao,” ông Lâm nói.
Đặc biệt, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ đưa vào thử nghiệm cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Trong đó hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực là một công cụ tích hợp những mô đun giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu, kết nối dữ liệu đa nguồn phục vụ hỗ trợ nghiệp vụ cảnh báo và truyền tin nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh miền núi Việt Nam trên nền WebGIS và chia sẻ, cung cấp thông tin, lập bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.
Theo ông Lâm, hệ thống trên thiết lập các công cụ giúp dự báo viên xây dựng các kịch bản cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từ đầu vào các dữ liệu thực đo và các sản phẩm mưa dự báo; so sánh và hỗ trợ khách quan cho nhận định của các dự báo viên khi kết hợp sử dụng các sản phẩm của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á; hỗ trợ các dự báo viên xây dựng tin nhanh, định kỳ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo các kịch bản, nhận định chi tiết đến cấp xã trên toàn quốc.
Đặc biệt hệ thống trên sẽ hỗ trợ tự động cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực và chia sẻ tự động trên trang web online http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn.
Đối với giao diện người dùng, phần bên trái là thông tin cập nhật về khu vực cảnh báo theo đơn vị hành chính và danh sách các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp xã cập nhật 1 giờ/lần. Giao diện chính sẽ là bản đồ (có thể thu phóng để xem chi tiết) cùng với cảnh báo nguy cơ theo các mức trung bình, cao và rất cao, các thông tin về các vị trí xung yếu cũng sẽ được nổi bật tại khu vực cảnh báo.
Ngoài ra, tại giao diện các lớp bản đồ còn được tích hợp các thông tin phản hồi ra đa thời tiết (tần suất cập nhật 10 phút/lần), dữ liệu bản đồ mưa thực đo 6 giờ, 12 giờ, 24 giờ, 3 ngày và 5 ngày đã qua, các dữ liệu về các vị trí đã xảy ra sạt lở đất, lũ quét, các vị trí xung yếu, trọng điểm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và sơ lược thông tin dự báo về đường đi của bão/áp thấp nhiệt đới./.
Theo vietnamplus.vn