Khởi công cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cầu đường Nguyễn Khoái trong năm nay

(PLO)- Sở GTVT TP.HCM cho biết năm 2025 là năm của nhiều dự án trọng điểm với việc khởi công các dự án như cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái…

Sáng ngày 17-1, Sở GTVT TP.HCM tổ chức gặp gỡ báo chí cuối năm để thông tin về kết quả ngành giao thông TP.HCM đã đạt được, đồng thời kế hoạch nhiệm vụ trong năm 2025.

Đáng chú ý, năm nay sẽ khởi công các dự án như cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái.

Ngành giao thông TP.HCM đã có nhiều nỗ lực

Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết năm 2024, ngành giao thông TP đã có nhiều nỗ lực, kết quả được thể hiện qua các con số như xoá được 7 điểm đen TNGT, chất lượng dịch vụ giao thông công cộng tăng, đặc biệt là chất lượng của đoàn phương tiện xe buýt.

Trong năm thực hiện chuyển đổi số, Nghị quyết 98, ngành giao thông cũng đã triển khai xử phạt nguội xe quá tải trọng, đây là đầu tiên TP thí điểm xử phạt nguội hoàn toàn tự động, giảm 92% tình trạng vi phạm, phạt hơn 47,8 tỉ đồng.

Khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ vào năm 2025
Năm 2025, TP.HCM sẽ khởi công cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ vào năm 2025. Ảnh: Ban Giao thông cung cấp

TP cũng tối ưu hóa dòng xe trên trục Mai Chí Thọ và Phạm Văn Đồng thông qua trí tuệ nhân tạo, đây là giải pháp kỹ thuật số, kỹ thuật mới nhất của Đông Nam Á.

Đối với 5 dự án BOT theo Nghị quyết 98, hiện đang chờ các thủ tục để trình duyệt, quy hoạch đã cập nhật dự án, phấn đấu trong quý I sẽ trình chủ trương dự án.

Hiện Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng lớn nhất cả nước và sẽ cạnh tranh với các cảng khu vực Đông Nam Á, tiềm năng phát triển kinh tế hàng đầu của cả nước.

Đối với ngành đường sắt đô thị, TP.HCM đã trình Chính phủ phát triển hệ thống ĐSĐT theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, từ nay đến 2035 sẽ hoàn thành hơn 350 km, vì vậy tất cả cần tập trung hơn, phải tăng tốc hơn. Hiện nay TP đã có 1 tuyến metro vì vậy để giảm thiểu ùn tắc giao thông thì buộc phải phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) và hệ thống ĐSĐT cần phát triển càng sớm càng tốt.

“Vấn đề này được chính phủ rất quan tâm và chúng ta cũng buộc phải làm, không thể chần chừ thêm nữa. Tới tháng 5 sẽ thông qua Nghị quyết với chính sách đặc thù hơn đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Vành đai 3 làm sao để phân cấp, phân quyền, để dự án có thể triển khai nhanh, hiệu quả”, ông Lâm nói.

“Nhiệm vụ trong năm nay sẽ nhiều hơn, có phần nặng nề nhưng rất vui. Chúng tôi sẽ nỗ lực để trình các điểm, chính sách đặc thù để làm sao trình thông qua cho Đề án phát triển ĐSĐT theo Kết luận 49, khởi công Vành đai 2, khởi công cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, khởi công Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”, ông Lâm cho biết.

Chúng ta sẽ phát hành trái phiếu, phát triển quỹ đất dọc các tuyến đường sắt đô thị để lấy nguồn lực làm các dự án trọng điểm, TP sẵn sàng làm loạt dự án trọng điểm để phát triển, xây dựng đô thị TP thông minh, hiện đại, ông Lâm thông tin.

Metro số 1 được người dân đón nhận

Ông Phan Công Bằng – Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết thời gian qua tuyến metro nói riêng và hệ thống ĐSĐT nói chung được người dân rất quan tâm, đặc biệt là sự kiện vận hành tuyến metro số 1.

“Người dân thông tin rất tích cực về metro số 1, đây là niềm chia sẻ, động viên ấm áp cho ngành giao thông vận tải”, ông Bằng nói tiếp.

di-metro-so-1-5.jpg
Metro số 1 là sự kiện được người dân cực kỳ quan tâm. Ảnh: ĐT

Công tác vận hành metro số 1 hiện tương đối tốt, với lượng hành khách đông đúc. Trong quá trình vận hành, MAUR ưu tiên số 1 là vận hành phải an toàn. Khi có tình trạng sét đánh, CP sập tự nhảy lên và vận hành lại hoặc phải kiểm tra để vận hành lại, cường độ sét của Việt Nam rất lớn, nên giai đoạn đầu ưu tiên kiểm tra thủ công để vận hành, tất cả phải đảm bảo an toàn, ông Bằng phân tích.

“Qua vận hành tuyến số 1, nhu cầu phát triển metro rất lớn. Bản thân tôi cũng đi làm bằng metro số 1, hiện nay việc lưu thông bằng metro vô cùng thuận lợi, nếu 10 năm nữa, hệ thống metro khép kín, chắc chắn người dân sẽ sử dụng metro đi làm, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, giảm thiểu xe cá nhân”, ông Bằng đánh giá.

Ông Lê Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) chia sẻ: Vừa qua có 20 dự án, gói thầu được hoàn thành trong đó có một số dự án kéo dài 10 năm như cầu Phước Long, Rạch Đỉa, Nam Lý…

Từ nay tới Tết Nguyên đán, Ban Giao thông cũng nỗ lực hoàn thành nhiều dự án trước tết như đường Lương Định Của, đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà (giai đoạn 1), đường Dương Quảng Hàm, cầu Tân Kỳ Tân Quý.

Khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ vào năm 2025
Ban Giao thông đang nỗ lực đưa nhiều dự án về đích từ nay tới Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: ĐT

Tới 30-4, Ban Giao thông sẽ nỗ lực thông 1 nhánh kết nối với cầu Nhơn Trạch, cuối năm 2025 sẽ thông 14,7 km lõi cao tốc kết nối với nút Tân Vạn, góp phần giải toả ùn tắc giao thông trong khu vực. Tương tự, nút giao An Phú sẽ hoàn thành một số hạng mục. Tương tự, sẽ khởi công 2 đoạn của dự án vành đai 2, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, mở rộng đường nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo Plo.vn