Hải Dương: Hơn 786 tỷ đồng đầu tư tuyến đường kết nối QL.17B với TP. Hải Phòng
Tuyến đường có chiều dài khoảng 7,22 km, tổng mức đầu tư hơn 786 tỷ đồng, kết nối Quốc lộ 17B tỉnh Hải Dương với đường tỉnh 352, TP. Hải Phòng, thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2025.
HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII – Kỳ họp thứ 23 đã quyết nghị thông qua Nghị quyết số 44/NQ-HĐND ngày 12/7/2024 quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 17B tỉnh Hải Dương với đường tỉnh 352, TP. Hải Phòng, đoạn từ Quốc lộ 17B đến đê sông Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn.
Theo Nghị quyết, Dự án có điểm đầu nối quốc lộ 17B tại khoảng km 12+500, điểm cuối nối đê hữu sông Kinh Thầy (tại khoảng km 47+950), khớp nối với địa điểm quy hoạch xây dựng cầu vượt sông Kinh Thầy do tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng hợp tác đầu tư. Tổng chiều dài tuyến khoảng 7,22 km. Địa điểm thực hiện dự án ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Dự án nhóm B này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm Chủ đầu tư. Dự kiến Dự án có tổng mức đầu tư hơn 786 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Hải Dương thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2026.
Mục tiêu đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 17B tỉnh Hải Dương với đường tỉnh 352, TP. Hải Phòng, đoạn từ Quốc lộ 17B đến đê sông Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn nhằm hình thành trục giao thông liên vùng giữa tỉnh Hải Dương với TP. Hải Phòng và phục vụ nhu cầu giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa hai địa phương. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển đô thị thị xã Kinh Môn, tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của thị xã Kinh Môn nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 nêu, định hướng tổ chức không gian hợp lý, hài hòa, trong đó chú trọng yếu tố kết nối Hải Dương trong không gian phát triển chung, đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị của vùng đồng bằng sông Hồng và các vành đai kinh tế trong khu vực. Xây dựng và quản lý đô thị xanh, thông minh, văn minh, hiện đại có bản sắc riêng biệt. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; mở rộng mạng lưới hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, các công trình giao thông quan trọng, có tính đột phá, các tuyến đường kết nối đến vùng kinh tế, khu công nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh mới, liên kết hiệu quả với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng…
Phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương.
Theo tapchicongthuong.vn