Hà Nội: Dự kiến quy hoạch mở rộng đường Láng với tổng mức đầu tư trên 21.000 tỷ đồng

(Xây dựng) – Hà Nội dự kiến mở rộng đường Láng từ khoảng 21m cả hai chiều hiện nay lên 53,5m, đồng thời xây dựng đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.

Hà Nội: Dự kiến quy hoạch mở rộng đường Láng với tổng mức đầu tư trên 21.000 tỷ đồng
Hà Nội dự kiến mở rộng đường Láng từ khoảng 21m cả hai chiều hiện nay lên 53,5m, đồng thời xây dựng đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (nguồn: Internet).

Sở Giao thông vận tải vừa có báo cáo UBND Thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó có Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy (đường Láng).

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất UBND Thành phố chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó có Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy (đường Láng). Cụ thể, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất 3 phương án để cải tạo, mở rộng đường Láng hiệu quả nhất.

Trong đó phương án 1, Hà Nội sẽ mở rộng Vành đai 2 về phía sông Tô Lịch. Phương án 2 sẽ làm đường Vành đai 2 trên cao về phía sông Tô Lịch, vừa không phụ thuộc dự án mở rộng dưới thấp và bảo tồn được hàng cây xà cừ hiện hữu. Phương án 3, Hà Nội sẽ làm đường sắt đô thị thay vì mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp.

Theo đề xuất quy hoạch mở rộng đường Láng và xây dựng Vành đai 2 trên cao, dự án sẽ cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, dự kiến có tổng mức đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.

Do tổng mức đầu tư lớn, nên đề xuất tách thành 2 dự án và ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8km. Điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy, chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng, gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng và xây lắp 541 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Việc thực hiện dự án nằm trong kế hoạch khép kín các vành đai nội đô, giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở đã hoàn thành.

Sau khi quy hoạch mở rộng đường Láng hoàn thành, tuyến đường sẽ rộng 53,5m và vận tốc thiết kế 80km/h là trục chính đô thị. Các hạng mục đầu tư chủ yếu là giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch, nền mặt đường, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hào kỹ thuật, nghiên cứu đồng bộ các nút giao.

Hiện nay, đường Láng là một phần của các phường Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Láng Hạ và Láng Thượng thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Theo đó, bắt đầu từ Ngã Tư Sở, theo dọc bờ Đông của sông Tô Lịch, giao với các đường như Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, rồi kết thúc tại ngã tư Cầu Giấy.

Chiều dài của đường Láng khoảng 4,1km, rộng từ 25 – 30m. Đây là một phần của tuyến đường Vành đai 2 được coi là tuyến đường huyết mạch quan trọng của Hà Nội, kết nối các quận, huyện phía Bắc với khu trung tâm của thành phố.

Liên quan đến việc tuyến đường Láng sắp được mở rộng, phát biểu trên báo chí, ông Đỗ Văn Bằng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội cho biết: “Việc đầu tư nâng cấp tuyến đường Láng cả phía trên và phía dưới giúp khép kín Vành đai 2, giao thông nội thành Hà Nội sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không thể khẳng định việc mở rộng đường sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc”.

Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm gồm: Vĩnh Tuy – Minh Khai – Đại La – Ngã Tư Vọng – Trường Chinh – Ngã Tư Sở – đường Láng – Cầu Giấy – Bưởi – Nhật Tân – Vĩnh Ngọc – Đông Hội – cầu chui Gia Lâm – Khu công nghiệp Hanel – Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên Vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù. Hiện Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng) dài 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao.

Theo Baoxaydung.com.vn