Chốt kịch bản đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, vốn 9.147,6 tỷ đồng

Mặc dù từng có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng Dự án PPP Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú vẫn sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Hoàn vốn dưới 20 năm

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa có Tờ trình số 1385/TTr-BGTVT đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) xem xét phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, giai đoạn I theo phương thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOT (Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, giai đoạn I).

Đây là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng), kết nối Đông Nam bộ với khu vực Tây Nguyên, được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hai dự án thành phần còn lại là đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương do UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai theo phương thức PPP.

Theo ông Nguyễn Tuấn Sơn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, các nội dung trong Tờ trình số 1385 đã được Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp thu, hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng Thẩm định liên ngành tại Báo cáo thẩm định số 5000/BC-HĐTĐLN ngày 28/6/2024.

Theo đề xuất của đơn vị được giao chuẩn bị đầu tư, Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, giai đoạn I có tổng chiều dài 60,24 km, được đầu tư theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h; khoảng 4-5 km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp (theo chiều xe chạy). Tại các vị trí xử lý đất yếu, nút giao liên thông, nền đường đào, đắp cao, điểm dừng xe khẩn cấp thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh nền đường 24,75 m.

Với quy mô đầu tư nói trên, Dự án có tổng mức đầu tư 9.147,6 tỷ đồng, tăng khoảng 782 tỷ đồng so tổng mức đầu tư tại bước lập chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, tại Tờ trình số 1385, đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi vẫn giữ nguyên phần vốn nhà nước tham gia Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, giai đoạn I là 1.300 tỷ đồng; phần còn lại sẽ do nhà đầu tư được lựa chọn huy động bằng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.

Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, với mức giá vé cơ sở 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km năm 2027 (thời gian dự kiến đưa vào khai thác các tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú), dự kiến 2 năm tăng phí một lần; lợi nhuận vốn chủ sở hữu 11,77 %/năm; lãi suất vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác là 10,33%/năm.

Với những thông số đầu vào nói trên, Ban Quản lý dự án Thăng Long tính toán, Dự án sẽ hoàn vốn trong vòng 19 năm. Thời gian thực hiện hợp đồng là 21 năm 6 tháng, từ năm 2024 đến hết năm 2046 (bao gồm cả thời gian thi công và vận hành khai thác, thu phí hoàn vốn).

Lo phụ thuộc vốn tín dụng

Cần phải nói thêm, trước đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết đã nhận hồ sơ quan tâm của 3 nhà đầu tư trong và ngoài nước, gồm China Harbour Engineering Company Limited (Trung Quốc); Công ty cổ phần Đầu tư Đại Quang Minh – CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp DIC.

Ban đầu, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị Bộ GTVT xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án là đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Tại tờ trình đề nghị Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án vào tháng 10/2023, Bộ GTVT cũng kiến nghị áp dụng đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để bảo đảm yêu cầu về quốc phòng – an ninh quốc gia, tại Tờ trình số 1385, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi trong nước. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự kiến từ quý III đến quý IV/2024, sau khi Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư.

Hiện tại, điểm cấn cá lớn nhất tại Dự án là trong Tờ trình số 1385, Ban Quản lý dự án Thăng Long không giải thích rõ lý do thời gian hoàn vốn của Dự án chỉ còn 19 năm, trong khi theo phương án trình Hội đồng Thẩm định liên ngành trước đây, thời gian hoàn vốn lên tới 22 – 25 năm.

Bên cạnh đó, khi góp ý Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian hoàn vốn đề xuất 22 – 25 năm là quá dài, lại phụ thuộc rất lớn vào vốn vay thương mại, nên khó hấp dẫn nhà đầu tư.

“So với các dự án PPP đường cao tốc hiện có tỷ lệ vốn nhà nước lên tới 49%, thậm chí lên tới gần 70% tổng mức đầu tư, thì tỷ lệ vốn vốn tham gia của Nhà nước tại dự án này là rất thấp (hiện chiếm khoảng 14%), nên cần phải tăng tính khả thi tài chính”, một nhà đầu tư từng gửi hồ sơ quan tâm đề xuất.

Theo Baodautu.vn