Ăn núi, ngủ rừng làm cao tốc nghìn tỷ miền sơn cước
Với mục tiêu hoàn thành sớm tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, hàng trăm kỹ sư, công nhân ngày đêm bám công trường, cả khi Tết đang gõ cửa.
Thi công bất kể mưa dầm, gió bấc
Những ngày cận Tết Nguyên đán, trên công trường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, khi trời vừa hửng sáng, các ban chỉ huy thi công đã đồng loạt ra hiện trường phổ biến công việc trong ngày tới từng tổ thợ, từng khu vực thi công.
Mỗi công nhân sau khi nhận nhiệm vụ liền bắt tay ngay vào làm việc. Trang thiết bị, máy thi công hiện đại cũng được bố trí bài bản theo đúng biện pháp thi công đã duyệt.
Như mọi ngày, mỗi khi bình minh ló rạng, anh Ngô Quang Vinh, 23 tuổi – kỹ sư trắc địa thuộc Tập đoàn Đèo Cả lại cùng các anh em công nhân rời khu nhà ở để tới công trường bắt đầu ca làm việc.
Anh đã theo công trình này từ khi dự án vừa khởi công. Hiện, anh đang tiến hành các phép đo và định vị vị trí thi công trụ cầu Hàm Yên – cây cầu có chiều dài 342m, là 1 trong 22 chiếc cầu trên toàn tuyến.
Anh Vinh chia sẻ: “Thời tiết Tuyên Quang nắng thì rất nóng, còn mưa thì kéo dài hằng tuần. Những con đường công vụ bị ngấm nước, mỗi khi xe công trình đi qua là thành vũng lầy.
Anh em đi lại chủ yếu bằng xe máy, nhưng nhiều đoạn không đi được phải xỏ ủng cuốc bộ cả đoạn đường dài. Đó là chưa kể bị muỗi, vắt cắn là chuyện như cơm bữa”.
Những cơn gió lạnh thổi liên tục từ sông Lô vào khiến cái lạnh miền sơn cước càng buốt hơn. Trên công trường, ai cũng miệt mài làm việc, tiếng máy, tiếng gầm của động cơ vang cả góc trời.
Trời đứng bóng, tan ca, những chiếc lưng áo ướt đẫm mồ hôi í ới gọi nhau về ăn trưa nghỉ ngơi, tiếng cười nói vẫn rộn ràng suốt đường về khu nhà điều hành.
Khác với tưởng tượng về những khu lán trại công trình ghép tôn tạm bợ, nóng nực, khu nhà điều hành của Tập đoàn Đèo Cả được xây dựng khang trang. Vị trí cũng cách khu vực thi công cửa hầm không xa.
Ở đây, ngoài khu văn phòng, cụm nhà điều hành còn có khu bếp ăn thoáng mát, sạch sẽ, khu nhà ở cán bộ, công nhân tiện nghi.
Về tới khu nhà ở, vừa lau mồ hôi, anh Vinh vừa nói: “Bếp ăn bố trí nấu 3 bữa một ngày nên anh em khá yên tâm về việc ăn uống, nghỉ ngơi. Ở giữa núi rừng mà được như thế này chúng tôi thấy quá tốt rồi”.
Ông Phạm Quynh, Phó giám đốc Ban điều hành dự án, kiêm Chỉ huy trưởng gói thầu số 24 thuộc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết: “Các dự án giao thông thường đi qua nơi hẻo lánh, xa khu dân cư, đi lại khó khăn nên rất khó thu hút và giữ chân người lao động.
Trước đây, khu nhà ban điều hành là một nơi “3 không: Không đường, không điện nước, không mạng internet”.
Để chăm lo cho người lao động, Tập đoàn đã xây dựng khu nhà ở cho cán bộ và người lao động, mở đường, kéo điện, tìm nguồn nước sinh hoạt, kết nối internet.
Chúng tôi luôn cố gắng chăm lo cho anh em, để không chỉ họ mà cả người thân của họ cũng yên tâm về điều kiện làm việc”.
Quyết bám trụ công trường
Rời gói thầu số 24, chúng tôi tiếp tục men theo quốc lộ 2 đến gói thầu 03-XL (có chiều dài 12,5km), tại Km 11+420 thuộc địa phận tỉnh Hà Giang.
Hiện nhà thầu đang tích cực san ủi mặt bằng, đào đắp nền đường, thi công các hạng mục công trình thoát nước, hầm chui dân sinh.
Anh Lò Phạ Ly, công nhân Tổng công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa buộc những mối thép vừa nói: “Em mới lên đây được một tháng. Hằng ngày, bọn em dậy từ 5h sáng để giao ban công việc, 7h bắt tay vào làm.
Đến trưa, mọi người tạm nghỉ quay về ăn cơm, sau đó nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng để bắt đầu làm ca chiều. Riêng những hôm làm tăng ca buổi tối, đơn vị bố trí tăng khẩu phần ăn”.
Anh Đào Ngọc Huấn, Chỉ huy trưởng công trường cho biết, trên tuyến mặt bằng nhiều đoạn chưa liền mạch, ngắt quãng, rất khó khăn trong việc di chuyển máy móc thiết bị, điều phối đất, vận chuyển vật liệu.
Có mặt bằng đoạn nào, đơn vị lại đưa ngay thiết bị vào làm đoạn đó. Mỗi lúc có thời gian rảnh, anh em lại cùng chính quyền địa phương, Ban GPMB huyện Bắc Quang đi vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Để kịp tiến độ, 20 kỹ sư, công nhân trong đội luôn túc trực tại hiện trường, ăn núi ngủ rừng. Ngày nắng thì thi công phần đào đắp, ngày mưa thì tranh thủ buộc thép làm khung bê tông cầu.
Dẫn chúng tôi tới khu vực đổ bê tông dầm cầu dài hơn 133m, tại đây có hơn 20 công nhân đang đổ bê tông lên khuôn, đầm và san phẳng mặt dầm, anh Nguyễn Thanh Sơn, quê ở tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Do thi công công trình lớn nên tôi bám trụ công trường, kết thúc ca đêm là ngủ ngay tại lán trại cách đây 100m.
Mà không chỉ tôi, nhiều người dù nhà chỉ cách công trường chưa đầy 10km nhưng cả tháng nay ăn ngủ tại công trường do đường mưa lầy lội, về nhà thêm khó khăn, vất vả”.
Ông Lê Tiến Dũng, Quyền giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang cho biết, đây là tuyến đường mở mới hoàn toàn nên điều kiện địa hình tương đối phức tạp.
Núi cao, vực sâu khiến việc thi công khó khăn, đặc biệt là vị trí phải bạt mái ta luy và làm cầu. Đây là lần đầu tiên Ban quản lý một dự án quy mô lớn, có chiều dài hơn 27km và phải xây dựng tới 11 cây cầu lớn.
Tính đến ngày 15/1, tổng giá trị sản lượng của dự án đã thực hiện trên công trường ước đạt 241,7/2.316 tỷ đồng, đạt 10,44% giá trị hợp đồng. Máy móc chính huy động tại công trình 354 trang thiết bị.
“Tết Nguyên đán đang cận kề, nhưng trên 600 công nhân kỹ sư dọc theo tuyến vẫn tất bật, hối hả với các công việc ăn núi, ngủ rừng để đưa công trình vượt tiến độ, về đích trước hẹn”, ông Dũng chia sẻ.
Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang dài 27,5km, tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng. Dự án khởi công ngày 28/5/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang chủ đầu tư.
Đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang có chiều dài 77km, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang chủ đầu tư. Công trình được khởi công ngày 21/10/2023.
Theo Baogiaothong.