An Giang huy động 38.151 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại
Giai đoạn 2021-2025, An Giang đầu tư 69 dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn 15.420 tỷ đồng, trong khi Kiên Giang huy động 22.731 tỷ đồng phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là giao thông hiện đại, đồng bộ.
Sáng 14/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội thảo Khoa học định hướng phát triển kinh tế xã hội và góp ý văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang (mới), nhiệm kỳ 2025-2030.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, sau sáp nhập, tỉnh An Giang có diện tích 9.888km2, với quy mô dân số gần 5 triệu người, hội đủ các yếu tố “đồng bằng – đồi núi – biển đảo – biên giới”, có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch…
Hội thảo Định hướng phát triển kinh tế – xã hội và góp ý văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2020 -2030 thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến.
Tỉnh An Giang còn có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, với vùng biển rộng hơn 63.000km2, đường bờ biển hơn 200km, tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia gần 148km thuận lợi giao thương quốc tế. Đây cũng là tỉnh có hai cảng hàng không quốc gia Rạch Giá và cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Giai đoạn 2021-2025, kinh tế hai tỉnh An Giang và Kiên Giang chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tỉnh Kiên Giang ước đạt 6,52%/năm (mục tiêu Nghị quyết đề ra 7,24%) và tỉnh An Giang ước đạt 5,54% – 5,83%/năm (mục tiêu Nghị quyết đề ra từ 6,50% – 7,00%). Tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh Kiên Giang ước đạt 74.649 tỷ đồng, tỉnh An Giang là 39.661 tỷ đồng; Quy mô nền kinh tế tỉnh Kiên Giang ước đạt từ 164.928 tỷ đồng, tỉnh An Giang từ 141.758 – 143.700 tỷ đồng.
GRDP bình quân đầu người tỉnh Kiên Giang đạt 92,76 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.786 USD), tỉnh An Giang đạt 75 triệu đồng/người/năm (tương đương 2.945 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh được khai thác hiệu quả hơn.
Tỉnh An Giang sau sáp nhập có nhiều tiềm năng, lợi thế được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra phân tích, đánh giá để định hướng phát triển.
Các đại biểu thống nhất đánh giá, cả hai tỉnh đạt mức tăng trưởng công nghiệp khá. Kiên Giang tập trung vào công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông – thủy – hải sản, hỗ trợ nông nghiệp và chuyển đổi công nghệ xi măng thân thiện môi trường. Nhiều sản phẩm tăng trưởng tốt như giày da, may mặc, gỗ MDF, tôm đông lạnh. Tỉnh đã quy hoạch 5 khu, 12 cụm công nghiệp; triển khai hạ tầng cho 2 khu, 2 cụm và 1 cụm nhà máy, thu hút 27 dự án đầu tư.
Tỉnh An Giang đẩy mạnh công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, nâng cao giá trị lúa gạo, thủy sản, trái cây; phát triển mạnh ngành giày da, may mặc làm động lực kinh tế. Tỉnh An Giang có năm khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có ba khu đi vào hoạt động, với tổng diện tích cho thuê khoảng 219 ha và thu hút 29 dự án; ngoài ra có 7 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, giải quyết nhiều việc làm, góp phần tăng thu ngân sách.
Phát triển kinh tế biển và kinh tế biên mậu được hai tỉnh đặc biệt quan tâm. Kiên Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển thành động lực quan trọng, với 3/4 ngành mũi nhọn tăng trưởng tốt. Du lịch và dịch vụ biển phát triển mạnh, khách du lịch tăng bình quân 15,88%/năm, doanh thu tăng 30-50%/năm. Hoạt động nuôi biển mở rộng với bốn dự án quy mô lớn, xuất khẩu thủy sản tăng 10%/năm. Vận tải biển phát triển, hạ tầng ven biển được đầu tư đồng bộ. Vận tải biển từ đất liền ra các đảo phát triển mạnh.
Tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi được xem là tuyến dọc xương sống để thúc đẩy phát triển kinh tế tổng hợp của tỉnh An Giang, hướng đến kết nối Hà Tiên, Phú Quốc. Trong ảnh: Tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đang được nâng cấp.
Tỉnh An Giang, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật để khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả các cửa khẩu, thúc đẩy phát triển thương mại, kinh tế biên giới gắn với ổn định dân cư, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tỉnh đã đầu tư 7 dự án bằng ngân sách nhà nước với tổng vốn 347,630 tỷ đồng, thu hút 21 dự án đầu tư ngoài ngân sách, trong đó có 18 dự án đi vào hoạt động, đóng góp ngân sách 2.642 tỷ đồng (trong đó có 1 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 1.224 tỷ đồng.
Ngoài ra, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang nằm trong hành lang của một trong bốn hành lang kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quy hoạch vùng được phê duyệt.
“Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng thương mại, dịch vụ ngày càng tăng trong GRDP. Tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2025 của tỉnh An Giang sau hợp nhất hơn 81,%, trong 17 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8%”, ông Nguyễn Tiến Hải cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Hải – Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu tại Hội thảo.
Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, tỉnh An Giang tập trung nguồn lực đầu tư 69 dự án kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng, liên huyện khoảng 15.420 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 44% tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh là 35.044 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Tỉnh Kiên Giang tập trung huy động 22.731 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại. Giai đoạn 2020 – 2025, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 26/35 dự án với nhiều tuyến giao thông trọng điểm như: đường ven biển Rạch Giá – Hòn Đất; đường 3/2 nối dài (đường bộ ven biển tỉnh Kiên Giang – đoạn qua TP Rạch Giá); đường ven sông Cái Lớn (qua địa bàn An Biên và U Minh Thượng); nâng cấp quốc lộ 61 (đoạn từ Rạch Sỏi – Minh Lương dài 7,4km) và quốc lộ 80 (đoạn từ Ba Hòn đến Hà Tiên dài 27km), cũng như các tuyến giao thông nối trung tâm tỉnh với các huyện.
Còn trục ngang (tính theo địa lý của tỉnh An Giang mới) là cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, hướng ra cảng Trần Đề và phía Đông và hướng kết nối với nước bạn Campuchia ở phía Tây Nam. Trong ảnh: Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh An Giang đang thi công vượt tiến độ.
PGS.TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội và Môi trường Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tỉnh An Giang mới bên cạnh kinh tế biển cần phải tiếp tục khai thác thế mạnh giao thông đường bộ với hai trục kết nối dọc, ngang đã và đang được Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh.
“Trong đó, trục dọc nội vùng là tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi được xem là tuyến dọc xương sống để thúc đẩy phát triển kinh tế tổng hợp, hướng đến kết nối Hà Tiên, Phú Quốc. Còn trục ngang (tính theo địa lý của tỉnh) là cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, hướng ra cảng Trần Đề và phía Đông và hướng kết nối với nước bạn Campuchia ở phía Tây Nam”, PGS.TS Bùi Văn Huyền phân tích.