Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vẫn “ngóng” mặt bằng
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, trong đó có tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, thời gian qua việc chậm bàn giao mặt bằng đã khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.
“Điểm nghẽn” chưa được khơi thông
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu gồm 3 dự án thành phần, trong đó 2 dự án đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai (dự án thành phần 1 dài 16km và dự án thành phần 2 dài 18,2km, còn dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Sau khi kiểm tra thực địa cuối tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đến ngày 15/10, tỉnh Đồng Nai phải giải phóng xong mặt bằng dự án thành phần 2. Ông lưu ý: “Hiện dự án thành phần 3 qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tiến độ rất tốt, nhiều đoạn sắp xong. Do đó, đoạn qua Đồng Nai cũng cần sớm có mặt bằng, đẩy nhanh thi công, không thể thua kém tỉnh bạn”.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, có mặt tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa, nơi được coi là “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng dự án, ghi nhận của PV cho thấy, vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Ông Nguyễn Văn Thông, một người dân thuộc diện giải tỏa cho hay: “Chúng tôi đồng thuận với việc làm đường nhưng trăn trở lớn nhất vẫn là tiền bồi thường và tái định cư. Được đền bù thỏa đáng, bà con sẵn sàng rời đi”.
Một cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư phường Phước Tân chia sẻ, gần như ngày nào cũng đều gõ cửa nhà dân để vận động di dời. Tuy nhiên, tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp, mua bán giấy tay, xây nhà trên ranh nhiều thửa… khiến giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. “Vì vậy, chúng tôi cần thêm thời gian để đưa ra phương án xử lý phù hợp”, vị này nói.
Vừa làm vừa ngóng mặt bằng
Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban QLDA xây dựng công trình giao thông Đồng Nai (chủ đầu tư dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) cho biết, đã yêu cầu nhà thầu tận dụng từng mét đất để đẩy nhanh các hạng mục, ưu tiên thi công đoạn qua huyện Long Thành trước do mặt bằng được giao nhiều hơn.
Dự án thành phần 1 có hai gói thầu xây lắp chính, hiện đang làm cầu và đường, sản lượng đạt trên 10,5%. Địa phương đã giao được 82ha đất, tương đương 60%.
Tại dự án thành phần 2, mặt bằng bàn giao đạt khoảng trên 74%, địa phương tiếp tục cam kết giao phần còn lại trong tháng 11. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban QLDA thành phần 2 cho hay, mặt bằng cơ bản đáp ứng thi công. Các nhà thầu vẫn vừa làm vừa chờ mặt bằng và đất đắp, tổng sản lượng đạt khoảng trên 15%.
Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan ngày 25/10, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu huyện Long Thành giao phần mặt bằng còn lại trong tháng 11, còn TP Biên Hòa tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phấn đấu trong năm nay phải xong mặt bằng.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 34,2km trải dài từ TP Biên Hòa đến hết huyện Long Thành, chia làm dự án thành phần 1 và 2. Để làm đường, địa phương phải thu hồi hơn 290ha đất với 3.500 hộ dân bị ảnh hưởng bắt buộc phải di dời.
Tính đến cuối tháng 10, công tác bàn giao mặt bằng đã có những chuyển biến tích cực so với tháng trước. Tuy nhiên, tỉnh vẫn không kịp giao đủ mặt bằng trước ngày 15/10 theo yêu cầu mà Thủ tướng đã đề ra.
Theo kế hoạch ban đầu, tỉnh Đồng Nai sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng cho các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023, cơ bản hoàn thành bàn giao phần còn lại trước ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục, hồ sơ liên quan đến các thửa đất không có chủ, mua bán giấy tay nên đã trễ hẹn. Sau đó, tỉnh tiếp tục lùi thời hạn bàn giao đến ngày 30/6/2024, rồi trễ hẹn thêm nhiều lần.
Huy động thêm nhân lực thi công dự án trọng điểm
Cũng từng gặp nhiều trở ngại do vướng GPMB, vốn, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có 3 gói thầu gồm A5 – A6 – A7.
Ghi nhận của PV, hiện nay gói A7 phần cầu, đường đều xong cơ bản. Các hạng mục ATGT đã được triển khai đầy đủ. Trạm thu phí đoạn nút giao với quốc lộ 51 cũng đang hoàn thiện. Trong khi đó, gói A5 cũng chờ nghiệm thu để bàn giao.
Riêng gói A6 tiến độ đạt gần 80%, trong đó đoạn từ nút giao với đường vào cảng Phước An đến đoạn giáp với cầu Thị Vải của gói A7 đang tập trung làm phần đường còn lại. Ông Nguyễn Thiện Đạt, Giám đốc điều hành gói thầu A7 cho biết, dự kiến các hạng mục còn lại sẽ về đích vào tháng 11 để kịp khai thác tạm đoạn này.
Cách đó không xa, đường kết nối sân bay Long Thành gồm đường T1 và T2 đã có đủ mặt bằng nên việc thi công thuận lợi hơn.
Ông Cao Ngọc Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tổng sản lượng tuyến kết nối đã đạt khoảng 54%. Các nhà thầu đã huy động trên công trường 756 nhân sự, 150 máy móc trang thiết bị. Công nhân tập trung đắp đất K95, K98 tuyến số 2, rải cấp phối đá dăm, thi công mố trụ cầu, dầm Super T, dầm bản rỗng, cọc xi măng đất, hệ thống thoát nước…
Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai đã cơ bản đủ mặt bằng nên hơn một tháng qua các nhà thầu đã huy động thêm máy móc, nhân sự, triển khai đồng loạt các gói thầu.
Trong đó, cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án thành phần 1A đã đủ mặt bằng) sản lượng đạt trên 86%, vượt tiến độ hơn hai tháng. Ông Trần Bình An, Giám đốc dự án cầu Nhơn Trạch (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận) cho biết, sau khi hợp long hai trụ P19 – P20 và trụ P20 – P21, các nhịp còn lại sẽ hợp long vào đầu năm 2025. Dự kiến cầu Nhơn Trạch sẽ về đích vào ngày 30/4/2025.
Còn dự án thành phần 3 Vành đai 3 TP.HCM qua huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai dài 11,2km, mặt bằng đã giao được hơn 92%. Dự án có 3 gói thầu, đến nay sản lượng đạt khoảng 10%.
Ông Trần Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Nhơn Trạch cho biết, trong tháng 11 địa phương sẽ giao đủ mặt bằng để thi công thông toàn tuyến dài 11,2km. “Chúng tôi tiếp tục giải thích, vận động bà con. Tuy nhiên các trường hợp hồ sơ đã đầy đủ nhưng cố tình không giao đất thì sẽ cưỡng chế”, ông Bảy thông tin.
Theo Baogiaothong.vn