Đề xuất 10.000 tỷ xây mới cầu Bình Triệu và mở rộng 2 tuyến đường
Sở GTVT TP.HCM đề xuất đưa 2 tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh vào kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Trong đó bao gồm xây mới cầu Bình Triệu với 6 làn xe, 2 đơn nguyên rộng 11,5m.
Chiều 11/7, thông tin từ Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải TP.HCM tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồ án quy hoạch chung xây dựng quận Bình Thạnh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ nút giao Hành Xanh đến cầu Bình Triệu) được quy hoạch mặt cắt ngang rộng 30-40m (hiện chỉ rộng 20m).
Đường Đinh Bộ Lĩnh (từ cầu Bình Triệu đến đường Điện Biên Phủ) được quy hoạch mặt cắt ngang rộng 25m (hiện trạng rộng khoảng 21m).
Với mật độ dân cư khu vực lớn, nhu cầu lưu thông cao, dẫn đến hai tuyến đường này thường bị quá tải, ùn tắc giao thông, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.
Theo Sở GTVT, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh là các tuyến đường chính đô thị, kết nối trực tiếp QL13; là trục cửa ngõ, kết nối vùng (kết nối trực tiếp đường vành đai, quốc lộ, cao tốc). Trong năm 2025, quốc lộ 13 sẽ được mở rộng lên 60m để kết nối với Bình Dương.
Trước tình hình đó, Sở GTVT đã đề xuất UBND Thành phố đưa 2 tuyến đường này vào kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm, ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030 để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Trong đó, nâng cấp, mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ nút giao Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu 1) với chiều dài 2,0km, rộng từ 30-40m và xây dựng nút giao Đài Liệt sỹ theo phương án đảo xoay vòng kết hợp hầm chui.
Đối với đường Đinh Bộ Lĩnh (cầu Bình Triệu đến đường Điện Biên Phủ), sẽ nâng cấp mở rộng với chiều dài 2km, rộng 25m. Đặc biệt là trong phương án này còn đề xuất xây mới cầu Bình Triệu với 6 làn xe, gồm 2 đơn nguyên mỗi đơn nguyên rộng 11,5m, dài 560m.
Thời gian thực hiện 2024-2030 (giai năm 2024-2025 thực hiện chuẩn bị đầu tư). Tổng mức đầu tư cho 2 dự án nêu trên là khoảng 10.000 tỷ đồng, từ ngân sách Nhà nước.
Cầu Bình Triệu trước đó đã có một cầu cũ, sau thời gian dài sử dụng đã quá tải, thành phố đã phải xây thêm một cầu mới song song hoàn thành năm 2003. Trước áp lực giao thông ngày càng lớn, ngành giao thông thành phố lại đề xuất xây thêm một cầu Bình Triệu mới.
Theo Baogiaothong.vn