Cận cảnh đại công trường dự án sân bay Long Thành nhộn nhịp những ngày cuối năm
19-01-2024 | Lượt xem : 52
Sau hơn 4 tháng thi công, các hạng mục của sân bay Long Thành gồm nhà ga, đường cất hạ cánh, đài kiểm soát không lưu đã dần hình thành.
Ngày 18/1, ông Dương Quang Điện, Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành cho biết: “Sau hơn 4 tháng kể từ ngày khởi công đồng loạt các hạng mục chính như nhà ga hành khách (gói thầu 5.10); đường cất hạ cánh, đường lăn, một phần sân đỗ (gói thầu 4.6) và hệ thống giao thông kết nối tuyến T1 và T2 (gói thầu 6.12) với vai trò giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV), đến nay Dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành (sân bay Long Thành) cơ bản đã đáp ứng tiến độ đề ra, hình thành đại công trường nhộn nhịp, không khí thi đua lao động sôi nổi của gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với gần 2.000 máy móc, trang thiết bị được tập kết, lắp đặt và vận hành triển khai thi công các gói thầu chính, các mũi thi công liên tục cả ngày lẫn đêm với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ”.
Theo ông Điện, ACV đã chỉ đạo liên danh nhà thầu VIETUR do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Ic Istas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu hoàn thành công tác lắp dựng, kiểm nghiệm và đưa vào hoạt động 24 cẩu tháp, đã triển khai thi công các tuyến đường tạm kết nối với các tuyến đường công vụ hiện hữu của dự án đạt khối lượng 100% với tổng chiều dài 3.690 m; Thi công cổng và hàng rào công trường, thi công đào đất đạt 100%; lắp đặt, đưa vào sử dụng 6 trạm biến áp 1.000 KVA.
Ngoài ra, ACV đã chỉ đạo nhà thầu triển khai gia công kết cấu thép mái, đổ bê tông đài móng cọc nhà ga, thi công đào đất… đáp ứng tiến độ đề ra với quyết tâm tập trung tăng tốc thi công thân bê tông cốt thép trước mùa mưa.
Trong thời gian vừa qua, ACV đã chỉ đạo và đốc thúc nhà thầu kiểm tra các nhà máy thép, mỏ đá, trạm trộn phục vụ công tác thí nghiệm vật liệu đầu vào, để đảm bảo kịp thời cung cấp vật tư, vật liệu cho dự án. Song song với đó là việc triển khai mua sắm vật liệu xây dựng công trình, trang thiết bị nhà ga, thiết bị cơ điện, đặt hàng các chủng loại vật tư, thiết bị tại nhà sản xuất nước ngoài để kịp thời chế tạo đưa vào lắp đặt tại công trình, không để tình trạng thiếu vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ đã được phê duyệt.
Hạng mục nhà ga hành khách được xem là trái tim của dự án trong giai đoạn 1, đến thời điểm hiện tại, đường nét nhà ga hành khách sân bay Long Thành với thiết kế hình hoa sen đã dần lộ diện.
Gói thầu 5.10 liên danh các nhà thầu đã thực hiện hoàn tất công tác san lấp mặt bằng trên công trường và đang đẩy nhanh tiến độ thi công phần thô bê tông cốt thép tận dụng thời tiết đang vào mùa khô với mục tiêu đến tháng 8/2024 sẽ tiến hành lắp dựng phần kết cấu thép. Bên cạnh đó công tác mua sắm trang thiết bị cho các công trình hạng mục nhà ga cũng đã yêu cầu nhà thầu thực hiện khẩn trương.
Ông Evren Isit Bingol, Chỉ huy trưởng liên danh VIETUR gói thầu 5.10 cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, tất cả các hoạt động xây dựng đều được triển khai và đáp ứng đúng tiến độ đã đề ra. Liên danh nhà thầu đã và đang tích cực đẩy mạnh thi công với hơn 2.000 kỹ sư, công nhân cùng hàng trăm máy móc, trang thiết bị trên công trường làm việc ngày đêm, tranh thủ điều kiện thời tiết mùa khô thuận lợi. Công tác thi công đào đất, cắt đầu cọc, đổ bê tông đài móng cọc nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%”.
“Dịp tết Nguyên Đán, chúng tôi sẽ tăng cường nhân công và máy móc để gia tăng tốc độ thi công xuyên Tết. Chúng tôi cũng đã động viên tinh thần anh em từ trước đó và có chế độ cho anh em theo đúng quy định. Chúng tôi cam kết đảm bảo tiến độ của gói thầu, đưa gói thầu về đích với tiêu chí an toàn chất lượng tiến độ với hiệu quả cao nhất”, ông Evren Isit Bingol cho biết thêm.
Gói thầu 4.6 đường cất hạ cánh, đường lăn được khởi công vào ngày 31/8/2023 cùng với công trình nhà ga hành khách. Có thể nói đây là hạng mục quan trọng của dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động an toàn bay nên ACV đặt ra các tiêu chí tỉ mỉ, chính xác về mặt kỹ thuật lên hàng đầu, yêu cầu các đơn vị nhà thầu thi công và tư vấn giám sát triển khai đúng quy định và tiêu chuẩn chất lượng.
Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, ACV đã chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh công tác thí nghiệm trong phòng và thí nghiệm tại hiện trường độ chặt, các vật liệu và các mẫu; triển khai thi công đào, đắp đất đường cất hạ cánh, đường lăn song song, sân đỗ nhà ga hàng hóa; thi công hệ thống thoát nước, đắp cát, cấp phối đá dăm; thi công thử nghiệm bê tông xi măng trước khi đưa vào thi công đại trà. Đến thời điểm hiện tại đường cất hạ cánh, tổng khối lượng đào đất đạt 675.000 m3 (27%) và đắp đất 545.000 m3 (26%), đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.
Ông Lê Văn Tiến, Chỉ huy trưởng liên danh gói thầu 4.6 Tổng công ty xây dựng công trình hàng không ACC cho biết: “Gói thầu 4.6 thi công xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn thi công 23 tháng được khởi công 31/8/2023, sau hơn 5 tháng triển khai thi công tiến độ bám sát trên toàn các hạng mục. Hiện nay trên công trường có hàng nghìn thiết bị máy móc tổ chức thi công đẩy nhanh phần nền đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ hàng hoá và hệ thống thoát nước, thi công thử nghiệm thảm nhựa bê tông… Chúng tôi quyết tâm đảm bảo đúng kỹ thuật chất lượng và an toàn hoàn thành gói thầu vào tháng 7/2025 như đã cam kết với chủ đầu tư”.
Gói thầu 6.12 thi công hệ thống giao thông kết nối, đối với tuyến số 1 về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, thông tuyến hệ thống làm đường phục vụ thi công nhà ga hành khách.
Tuyến số 2 dù còn nhiều khó khăn về mặt bằng thi công xôi đỗ, diện tích mặt bằng bàn giao chỉ đạt 45% gây khó khăn cho việc vận chuyển và điều phối đất đắp, tuy nhiên ACV đã chủ động chỉ đạo liên danh nhà thầu huy động nhân sự và máy móc trang thiết bị tổ chức 20 mũi thi công triển khai đồng loạt các công tác: phát quang dọn dẹp; đắp đất đường công vụ, tuyến chính; rải cấp phối đá dăm; triển khai các công tác cọc khoan nhồi, cọc xi măng đất, thi công phần tuyến và phần cầu.
Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành và công trình phụ trợ có diện tích 24.000 m2 khởi công vào cuối tháng 9/2022 đang được xây cao lên hàng chục mét.
Đài được thiết kế hình búp sen có màu sắc và kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách. Tháp điều hành cao 123 m gắn radar trên đỉnh, diện tích xây dựng khoảng 80 m2, đường kính thân tháp 10 m. Các thiết bị được thiết kế theo công nghệ tự động hóa và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai.
Sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng trên diện tích gần 5.000 ha ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án được khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,06 tỷ USD); trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Giai đoạn này, dự án đầu tư xây dựng một đường cất, hạ cánh và một nhà ga hành khách, cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước, hướng đến trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế và khu vực.
Theo Tapchigiaothong.vn
Tin tức liên quan
21-11-2024
Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở GTVT phối hợp cùng Văn phòng UBND thành phố tham mưu các thủ tục triển khai dự án đoạn qua TP.HCM để có thể khởi công trong quý I/2026, hoàn thành trong năm 2028. Chiều 20/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp với Ủy…
20-11-2024
(Tổ Quốc) – Trạm dừng nghỉ cao tốc Vân Phong – Nha Trang tại lý trình Km 334+900 (thuộc xã Ninh Bình, TX. Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), với chi phí xây dựng hơn 230 tỷ đồng. Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT) đang tiến hành đấu thầu rộng rãi để tìm nhà…
19-11-2024
2 tuyến quốc lộ liên kết vùng phía Tây và Tây Bắc TPHCM được đề xuất nâng cấp, mở rộng lên 10 làn xe, kinh phí khoảng 25.000 tỷ đồng theo hình thức BOT. Đó là 2 dự án: quốc lộ 1 (từ Kinh Dương Vương đến ranh Long An) và quốc lộ 22 (từ…